Myanmar: Thị trường còn nhiều tiềm năng

24/09/2023

37 1

Ảnh Internet

(VEN) – Myanmar lâu nay tưởng như một đất nước bị quên lãng và chìm trong cô lập. Tuy nhiên, đất nước này đang vươn lên mạnh mẽ và thực sự đang trở thành một thị trường còn nhiều tiềm năng trong hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam.

Nền kinh tế Myanmar vẫn trong tình trạng gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng còn yếu kém, mới đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước, 90% hàng công nghiệp tiêu dùng phải nhập khẩu. Dịch vụ của Myanmar chưa phát triển do trình độ yếu kém và bị cấm vận nhiều năm của Mỹ và EU. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này còn rất nhỏ bé, mới đạt 15 tỷ USD. Hiện nay các ngành nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc,

thủy sản và lâm sản chiếm 50% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Myanmar và 35% nguồn thu ngoại tệ của đất nước, đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc dân. Kim ngạch xuất nhập khẩu còn rất khiêm tốn. Năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Myanmar chỉ đạt 6,6 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa đạt 3,8 tỷ USD. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Myanmar chỉ đạt 6,3 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa đạt 3,8 tỷ USD. Myanmar xuất khẩu hàng hóa tới 85 thị trường và nhập khẩu hàng hóa từ 115 thị trường trên thế giới. 

Trái ngược lại với những kết quả kinh tế nhỏ bé kể trên, nguồn lực để phát triển của đất nước Chùa Vàng này thật khiến nhiều nước trên thế giới phải ghen tỵ. Với diện tích 676.577km2 (gấp đôi Việt Nam) và có vị trí địa chính trị quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế, Myanmar được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng và tài nguyên phong phú. Khoảng 50% diện tích Myanmar (tương đương diện tích Việt Nam) là rừng núi, trong đó có nguồn tài nguyên gỗ quý khổng lồ, đặc biệt là gỗ teak, cam xe, trắc, gụ …thuộc hàng nhất thế giới. Bên cạnh đó, Myanmar sở hữu trữ lượng dầu khí lớn (trữ lượng đã thăm dò đứng thứ 11 thế giới), tài nguyên khoáng sản (ngọc, đá quý, đồng, niken, vonfram, granit, vàng, bạc..) cũng thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. 

Với dân số gần 60 triệu người có thu thu nhập bình quân thuộc hàng thấp trên thế giới, sản xuất của Myanmar còn yếu kém nhiều mặt nên chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Vì vậy, Myanmar có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng. Hầu hết, hàng tiêu dùng đều nhập qua đường tiểu ngạch mậu dịch biên giới với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Chất lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu đều thấp. Những năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu một số mặt hàng sang Myanmar, song thị phần của những sản phẩm của nhập khẩu của ta còn thấp so với dung lượng nhập khẩu các sản phẩm tương tự của bạn từ các nước khác, ví dụ: sản phẩm điện và điện tử (0,5%), nguyên phụ liệu may mặc (1,3%), thép các loại (1,4%), chất dẻo và sản phẩm chất dẻo (0,2%), hoá chất các loại (0,4%), hàng công nghiệp thực phẩm (1,6%). Ngoài ra, còn các sản phẩm khác mà Myanmar có nhu cầu rất lớn nhưng doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thâm nhập vào thị trường này đáng kể như: thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, xăm lốp các loại, đồng hồ đo điện, phụ tùng các loại, vật liệu xây dựng, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, phân bón các loại, nông – ngư cụ … Điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa chú trọng vào thị trường tương đối dễ tính và có nhu cầu lớn này.  

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của ta, tạo ra sức bật trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, Chính phủ cũng như các Bộ ngành Việt Nam đã đưa ra những biện pháp mạnh mẽ. Chỉ tính riêng trong năm 2009, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Myanmar đã tiến hành họp Uỷ ban hỗn hợp về thương mại và đã thống nhất một số nội dung hợp tác trong tình hình mới. Các cuộc hội thảo giao thương giữa doanh nghiệp hai nước cũng đã được tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Yangon (Myanmar). 

Đặc biệt, Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và các cơ quan hữu quan của hai nước đã tiến hành tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam – Myanmar từ ngày 19 – 22/11/2009 tại Yangon. Tham dự hội chợ này có sự tham gia của 51 doanh nghiệp và đơn vị của Việt Nam và 10 doanh nghiệp Myanmar với qui mô tổng cộng 82 gian hàng. Trong khuôn khổ hội chợ, ta đã tổ chức Diễn đàn Giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Myanmar với sự tham gia của trên 200 doanh nghiệp hai nước.Đây là hội chợ nước ngoài đầu tiên được phép tổ chức tại Myanmar kể từ năm 2005, vì vậy đây là một hoạt động có tiếng vang lớn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân Myanmar cũng như sự quan tâm của nhiều phái đoàn ngoại giao của các nước khác tại Yangon.Nhìn chung, các doanh nghiệp tham dự hội chợ đánh giá Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam – Myanmar 2009 có hiệu quả cao. Theo báo cáo sơ bộ của các doanh nghiệp, tổng cộng đã có gần 3.000 lượt khách đến giao dịch tại các gian hàng của các công ty (không kể khách đến tham quan mua hàng), trong đó có trên 130đại diện của các công ty tiềm năng Myanmar đã trực tiếp đến hội chợ bàn bạc chi tiết việc ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng, nhiều doanh nghiệp đã tìm được đại lý phân phối tại thị trường Myanmar. Ước tínhgiá trị hợp đồng thực tế được ký kết khoảng 3 triệu USD. Các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cũng thu được những thành công đáng kể. Thực tế, hội chợ kết thúc vào chiều ngày 22/11/2009 nhưng đến cuối buổi sáng ngày 22/11, các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp đã bán hết toàn bộ số lượng hàng mang sang tham dự hội chợ, với tổng trị giá ướctrên 500.000 USD. 

Từ đầu năm 2010 đến nay, hai bên cũng đã tích cực tổ chức Hội thảo đầu tư Việt Nam – Myanmar tại thủ đô Nay Pyi Taw và thành phố Yangon, Myanmar với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp hai nước. Cùng với đó là một loạt sự kiện như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã mở đường bay thẳng Hà Nội – Yangon, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam cũng đang làm các thủ tục mở chi nhánh tại Myanmar… Vì vậy, có thể nói năm 2010 sẽ là năm tăng trưởng mạnh trong quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam với thị trường Myanmar còn rất nhiều tiềm năng này. 

Nhằm khẳng định và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có chuyến thăm chính thức Myanmar từ ngày 02 – 03/4/2010. Nhân sự kiện này, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với các Bộ ngành hữu quan của hai nước đang tích cực chuẩn bị Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar năm 2010 sẽ diễn ra tại Yangon từ ngày 03 – 06/4/2010. Với qui mô dự kiến khoảng gần 60 doanh nghiệp và trên 80 gian hàng thuộc các ngành hàng may mặc, da giày, mỹ phẩm, dược phẩm, cơ khí, điện, điện tử, hoá chất, nguyên liệu và thực phẩm chế biến. Hiện tại, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ phê duyệt phương án tổ chức hội chợ và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, bao gồm 100% chi phí gian hàng, 100% chi phí trang trí tổng thể, 100% chi phí tuyên truyền quảng bá, mời khách tham gia giao dịch hội chợ, 02 vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đi Yangon cho mỗi doanh nghiệp tham dự. Các doanh nghiệp quan tâm xin liên hệ với Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, điện thoại 04.22205430, email: VCATBD@moit.gov.vn./. 


Nguồn Bộ Công Thương 

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo