Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ chỉ giải ngân được 2.570 tỉ
Khách hàng sợ bị thanh tra khi được hỗ trợ lãi suất
Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về hoạt động ngân hàng trong hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thực hiện nghị định 31 về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước với 40.000 tỉ đồng được áp dụng từ năm 2022 chưa đạt được như kỳ vọng.
Tính đến cuối tháng 2, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 84.000 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 44.000 tỉ đồng. Số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 256 tỉ đồng cho 1.784 khách hàng.
Nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau này của các cơ quan chức năng. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song họ lại hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải “có khả năng phục hồi”.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, nên việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn.
Do đó, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá “trục lợi chính sách”.
Gói hỗ trợ lãi suất chưa đạt như kỳ vọng
Căn cứ thực tế triển khai, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đánh giá khả năng giải ngân hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỉ đồng.
Trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỉ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất năm nay là khoảng 2.435 tỉ đồng. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của chương trình này là 37.430 tỉ đồng.
Sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chấp thuận việc dừng sửa đổi nghị định 31.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chuyển nguồn lực cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện (nếu có) theo quy định.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả triển khai chương trình này để có cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa.
L.THANH- Báo Tuổi trẻ