Thúc đẩy Phát triển Bền vững thông qua Chính sách Kinh tế Vĩ mô tại Việt Nam
Các kịch bản chính sách nhằm hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đã được đề xuất trong báo cáo mới đây do Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam thực hiện.
Các nghiên cứu và mô hình dự báo đã chỉ ra rằng Việt Nam cần có một chiến lược tài chính dài hạn, có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng xanh, và các dịch vụ công để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các kịch bản mô phỏng chính sách cho thấy rằng:
Đầu tư vào năng lượng tái tạo: Giúp giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng GDP lên đến 3-4% trong những năm đầu và khoảng 3,5% từ năm 2030 trở đi. Tuy nhiên, cần phải thận trọng vì việc đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo có thể làm gia tăng nợ công nếu nguồn vốn chủ yếu đến từ Chính phủ.
Thuế cacbon: Là công cụ hiệu quả để giảm phát thải CO2, cải thiện chất lượng không khí và tài khóa, đồng thời giúp giảm nợ công. Việc tăng thuế các-bon có thể làm giảm lượng phát thải khoảng 10% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050. Tuy nhiên, cần chú ý đến tác động tiêu cực ngắn hạn đến GDP và đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và an sinh xã hội: Các chương trình mục tiêu quốc gia có thể tác động tích cực đến công tác giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng việc giải ngân hiệu quả và quản lý tốt là yếu tố quyết định.
Đầu tư vào giáo dục và hạ tầng công nghệ: Có tác động tích cực dài hạn đến tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, nhưng tác động đến xã hội và môi trường ít hơn.
CÁC KHUYẾN NGHỊ VỀ CHÍNH SÁCH
Để đáp ứng nhu cầu tài khóa, Chính phủ cần đẩy mạnh sử dụng các nguồn tài chính công chưa được khai thác, giảm chi phí vay và huy động vốn tư nhân. Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện một số chiến lược để tăng nguồn thu thuế một cách hiệu quả.
Theo ước tính mới của ESCAP, Việt Nam có thể tăng doanh thu thuế của Chính phủ thêm 2,5% GDP so với các quốc gia có kết quả vượt trội nhất. Tăng cường quản lý thuế và thuế các-bon, cùng với việc ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả thu thuế và giảm tình trạng trốn thuế.
Việc áp dụng thuế các-bon tại Việt Nam đòi hỏi một kế hoạch kỹ lưỡng và quá trình xem xét nhiều yếu tố khác nhau như khung pháp lý, giá các-bon, cơ chế đánh thuế, miễn trừ và giảm thuế, công tác triển khai và thực thi, phân bổ doanh thu, v.v.
Khai thác tài chính bền vững thông qua trái phiếu Chính phủ, đặc biệt là trái phiếu bền vững, để thu hút nguồn vốn cho các dự án phát triển bền vững.
Việt Nam có thể giảm chi phí vay của Chính phủ bằng cách tập trung phát triển thị trường vốn và chuyển tiết kiệm trong nước thành trái phiếu Chính phủ thông qua một số biện pháp chiến lược.
Việt Nam cần tăng cường quản lý nợ công để giảm gánh nặng nợ, đồng thời tăng đầu tư vào các ưu tiên phát triển dài hạn.
Việc xây dựng và triển khai danh mục phân loại xanh có thể mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư xanh thông qua các tiêu chí rõ ràng và được chuẩn hóa giúp xác định các hoạt động kinh tế bền vững với môi trường.
Việt Nam cũng có cơ hội thuận lợi để xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho các lĩnh vực tập trung vào tính bền vững và thường đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn, đặc biệt là năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH.
Bằng cách tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn thông qua các quy định tinh gọn, các ưu đãi tài khóa và cơ chế bảo đảm cho đầu tư, Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến phát triển bền vững.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy phát triển xanh và huy động vốn tư nhân cho các khoản đầu tư xanh thông qua nhiều sáng kiến chiến lược.
NHNN cần ban hành hướng dẫn rõ ràng về hoạt động cho vay dự án xanh, lồng ghép đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, đồng thời khuyến khích các ngân hàng ưu tiên các dự án xanh.
Với lộ trình tiếp theo, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường sử dụng tài chính công hợp lý, cải thiện hạ tầng tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời giảm chi phí vay của Chính phủ thông qua phát triển thị trường trái phiếu và các sản phẩm tài chính mới.
Nguồn Izumi Innovation