Chính phủ lo doanh nghiệp bán tài sản, rút khỏi thị trường
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Các cân đối lớn được đảm bảo, song GDP tăng thấp, doanh nghiệp khó khăn
Theo Chính phủ, trong bối cảnh thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, song kinh tế vĩ mô vẫn được giữ vững, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động giảm lãi suất điều hành để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỉ giá.
Nền kinh tế ước xuất siêu 6,35 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điện, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước.
Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế, Chính phủ cho hay tăng trưởng kinh tế quý 1 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn kịch bản. Một số địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp.
Lý giải vấn đề này, Chính phủ cho rằng do nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động từ nền kinh tế thế giới gặp khó khăn.
Đơn hàng sụt giảm, chi phí nguyên liệu, lãi vay đều tăng cao. Hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn do vốn vào lĩnh vực bất động sản kiểm soát chặt chẽ.
Đáng chú ý, sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ, xe có động cơ… tại một số địa bàn công nghiệp trọng điểm tăng giảm hoặc thấp. Tồn kho có xu hướng tăng trong các ngành chủ lực.
Doanh nghiệp thiếu vốn, đối mặt với chi phí lãi vay cao, việc tiếp cận vốn vay khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 4 tháng giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78.900 doanh nghiệp). Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77.000 doanh nghiệp).
Chính phủ nhận định, thực tế trên tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất. Đặc biệt, tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường có thể diễn biến phức tạp, khó khăn thêm.
Áp lực đáo hạn trái phiếu, doanh nghiệp bán tài sản để giảm khó khăn dòng tiền
Đặc biệt, Chính phủ nhìn nhận thực tế áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản là rất lớn. Xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với thực trạng trên, Chính phủ đánh giá áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Bởi yêu cầu vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Về giải pháp, Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm, đó là nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào. Thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ổn định và phát triển các loại thị trường lành mạnh, hiệu quả, bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp.
Tiếp tục xem xét hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hướng dòng vốn vào sản xuất, các ngành là động lực tăng trưởng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Có chính sách tài khóa, nhất là về thuế, phí, lệ phí, chính sách tiền tệ, vĩ mô khác để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh….
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.
Ngọc An-Báo Tuổi trẻ