Cơ chế chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thông tin đến Quý doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các cá nhân 01 số chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng như sau:
1. Các Chương trình/Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
1.1. Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2023.
Đây là Chương trình hành động và giải pháp hỗ trợ của Ngành Ngân hàng Thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình này do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM và các quận/huyện/Thành phố Thủ Đức thực hiện.
+ Phạm vi áp dụng: Tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
+ Hình thức hỗ trợ: do các Ngân hàng thương mại đồng hành chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, tự nguyện giảm lãi suất, cho vay mới lãi suất phù hợp và tăng hạn mức tín dụng với 20 thương hiệu Ngân hàng tham gia với Gói tín dụng đã đăng ký là: 453.070 tỷ đồng.
+ Liên hệ: Phòng Kinh tế/Phòng Tài chính – Kế hoạch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức để nắm bắt thông tin về các Ngân hàng thương mại đang thực hiện Gói tín dụng này, từ đó tiếp xúc trực tiếp với cán bộ Ngân hàng để tìm hiểu thêm các quy định, tiêu chí cụ thể.
1.2. Chương trình cho vay bình ổn thị trường.
Đây là Chương trình do Sở Công thương là đơn vị chủ trì, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM là đơn vị phối hợp.
+ Đối tượng: là một số Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu[1]; các mặt hàng phục vụ học tập[2].
+ Lãi suất được ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường trên thị trường do một số Ngân hàng tham gia tự nguyện ưu đãi lãi suất.
+ Liên hệ: Các Doanh nghiệp có nhu cầu tham gia Chương trình bình ổn thị trường Thành phố liên hệ Sở Công thương để tìm hiểu, nắm bắt thông tin chi tiết.
2. Cơ chế chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
+ Đối tượng: là khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (trừ khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài).
+ Thời gian: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư này được tính kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
+ Liên hệ: Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nêu trên liên hệ các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài trên địa bàn mà khách hàng đang có quan hệ tín dụng để tìm hiểu thêm thông tin cũng như thực hiện chính sách này.
3. Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% (HTLS 2%/năm) theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Chương trình này kéo dài trong 02 năm từ 2022-2023 và năm 2023 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình này. Theo đó, đặc điểm Chương trình này như sau:
+ Đối tượng áp dụng: Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được Ngân hàng thương mại chấp thuận cho vay.
+ Lãi suất hỗ trợ: hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
+ Ngành, lĩnh vực được hỗ trợ gồm:
- Nhóm 1: Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, gồm: Hàng không, vận tải kho bãi (H); du lịch (N79), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I); giáo dục và đào tạo (P); nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (A); công nghiệp chế biến, chế tạo (C); xuất bản phần mềm (J582), lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63); trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L).
- Nhóm 2: Có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp công bố.
+ Liên hệ: Để được xem xét hỗ trợ theo Chương trình này, Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh liên hệ Ngân hàng thương mại trên địa bàn mà khách hàng đang có quan hệ tín dụng để tìm hiểu và tiếp cận về chương trình và phải có đơn đề nghị gửi Ngân hàng thương mại nơi cấp tín dụng, cũng như cung cấp các giấy tờ chứng minh liên quan theo quy định.
4. Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ.
Đây là Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai, trong đó chủ lực là 04 Ngân hàng thương mại vốn Nhà nước (Agribank, BIDV, VCB, Vietinbank).
+ Đối tượng vay vốn: Pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, bao gồm: Khách hàng là Chủ đầu tư đầu tư dự án; khách hàng là người mua nhà ở tại dự án.
+ Nguyên tắc cho vay:
- Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
- Mỗi Người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 01 lần để mua 01 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, mỗi dự án của Chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 01 lần.
+ Điều kiện, tiêu chí: Ngoài việc đảm bảo các điều kiện, tiêu chí theo quy định pháp luật về tín dụng do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thì đối tượng được vay chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng thời phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chí sau:
- Đối với đối tượng là cá nhân.
- Đối với đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp) phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định pháp luật về nhà ở.
- Đối với đối tượng được bố trí tái định cư trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải có hợp đồng mua, nhà ở, công trình xây dựng bố trí tái định cư theo quy định pháp luật về nhà ở.
- Đối với đối tượng là Chủ đầu tư dự án.
- Chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư phải có trong danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư do UBND cấp tỉnh công bố và phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân: đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở; đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng;
- Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đã có chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; các thông tin khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
+ Lãi suất áp dụng:
- Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung hạn VNĐ bình quân của 4 NHTM vốn Nhà nước nêu trên. Cụ thể: lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với Chủ đầu tư là 8,7%/năm; đối với Người mua nhà là 8,2%/năm. Từ ngày 01/7/2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các Ngân hàng thương mại tham gia Chương trình.
- Khi hết thời gian ưu đãi lãi suất, các Ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa Ngân hàng và khách hàng.
+ Thời gian triển khai: Thời gian giải ngân của Chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá 31/12/2030.
+ Liên hệ: Chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nêu trên có thể liên hệ Chi nhánh của 04 Ngân hàng thương mại vốn Nhà nước (Agribank, BIDV, VCB, Vietinbank) trên địa bàn để tìm hiểu thêm thông tin và tiếp cận Chương trình.
[1] 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: lương thực (gạo, lương thực chế biến khô, bột…), đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa.
[2] 5 nhóm hàng phục vụ học tập gồm: tập vở, cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày dép học sinh; dụng cụ học tập; …