Địa phương nêu vướng mắc, Thủ tướng sẽ cử thành viên Chính phủ gỡ khó
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 238 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Công điện được ban hành trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ở trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.
Thủ tướng lo ngại chi phí sản xuất tăng cao, đơn đặt hàng giảm
Đến nay, với sự chỉ đạo điều hành thì trong nước cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo được các cân đối lớn, ổn định thị trường tiền tệ và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy, công điện chỉ ra chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh của một số ngành công nghiệp. Chủ yếu như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, do một số nước là bạn hàng lớn phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để ưu tiên chống lạm phát và biện pháp bảo hộ để duy trì tăng trưởng.
Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, ở chiều ngược lại nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng rất thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do yếu tố thị trường.
Thủ tướng nhận định, với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới, kinh tế nước ta với độ mở lớn. Do đó, nền kinh tế được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực chủ động. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thẩm quyền.
Bao gồm các vấn đề như pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.
Tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu. Duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Thủ tướng cho hay sẽ phân công các thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp làm việc với từng địa phương. Kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu tại địa phương để có giải pháp cụ thể.
Cử thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với địa phương để gỡ khó
Về các nội dung công việc cụ thể, Thủ tướng giao chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo rà soát, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm, các đề xuất và kiến nghị cụ thể… Nội dung này các địa phương cần gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 13-4 để tổng hợp chung về các nhóm vấn đề cần phải xử lý, giải quyết tháo gỡ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị báo cáo. Đề xuất và có kế hoạch làm việc của các thành viên Chính phủ sau khi có báo cáo nhanh của các địa phương, bảo đảm khoa học, hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, kêu gọi chung chung.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong đó phân loại các nhóm vấn đề, thẩm quyền giải quyết và gửi Thủ tướng, các thành viên Chính phủ chủ trì làm việc theo phân công của Thủ tướng.
Ngọc An – Tuổi trẻ online