hE1BB99i nghE1BB8B pccc 2 7

Doanh nghiệp và phát triển bền vững

10/05/2023

 trinh thu huong
Bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư 

Thưa bà Trịnh Thị Hương, nhìn bức tranh toàn cảnh của các doanh nghiệp hiện nay, bà nhìn nhận thế nào về khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững?

Với đặc điểm gần 98% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực để có những đầu tư nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn. Điều này được phản ánh trong báo cáo khảo sát nhận thức của doanh nghiệp về ESG (Kinh tế – Xã hội – Quản trị) thực hiện bởi Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC). Hầu hết các doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng ESG là các doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu, v.v.. Còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang dừng lại ở mức cân nhắc về việc chủ động triển khai ESG sớm chứ chưa có những bước triển khai đầu tiên. Ngoài ra, một trong những rào cản lớn nhất, được 70% các doanh nghiệp tham gia khảo sát đưa ra là chưa được trang bị đủ kiến thức.

Mặc dù vậy, điều đáng mừng là 83% doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, 57% đã thấy sự cần thiết thay vì coi đây là áp lực cần tuân thủ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng từ nhận thức đến thực thi, từ khâu lập kế hoạch đến khâu áp dụng và thực hiện tốt hiện nay vẫn có khoảng cách rất lớn.

Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa mặn mà với tăng trưởng xanh vì còn cân nhắc bài toán lợi ích và chi phí. Vậy bà có khuyến nghị gì để khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi định hướng tăng trưởng xanh?

ESG hiện là một trong những xu hướng lớn trên toàn cầu gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các nhà mua, nhà đầu tư quốc tế và trong nước ngày càng nâng cao yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm đảm thông tin công bố chính xác và các cải thiện về triển khai ESG. Việc áp dụng ESG sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Thực hành ESG cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn xanh. Ngân hàng nhà nước đã phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, phấn đấu tới năm 2025, 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay, kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Điều cuối cùng nhưng rất quan trọng đó là ESG không chỉ là phương pháp để doanh nghiệp đáp ứng các quy định, yêu cầu của đối tác, của thị trường mà còn là cách thức để doanh nghiệp có thể tạo ra cơ hội mới và tạo dựng vị thế mới cho doanh nghiệp và quốc gia. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng ESG ngay từ bây giờ, cần khai thác ESG để nắm bắt các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho mình trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến kinh doanh bền vững, đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 167/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”. Xin bà cho biết thêm về chương trình hỗ trợ này của Chính phủ?

Đây là một trong những chương trình đầu tiên của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững với kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường; huy động nguồn lực của khu vực tư nhân góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.

Trong giai đoạn 2023-2025, chương trình sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về kinh doanh bền vững; phấn đấu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp thực hành kinh doanh bền vững, góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0-7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm.

Chương trình quy định nhiều nội dung hỗ trợ mang tính toàn diện về tạo dựng hệ sinh thái (nâng cao nhận thức toàn xã hội, phát triển công cụ đo lường đánh giá, mạng lưới tư vấn viên…) và các hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (tư vấn, đào tạo, công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tài chính…) từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động ngoài xã hội. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đang xây dựng hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện chương trình, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò vốn mồi, tạo động lực cho các doanh nghiệp, biến đây trở thành cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chiếm được lợi thế trong xu hướng mới này.

Ánh Dương-Cafebiz

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo