Doanh nghiệp vững vàng hơn nhờ sản xuất xanh
Thời gian qua, do kịp thời chuyển đổi sang sản xuất xanh, nhiều doanh nghiệp có thêm đơn hàng xuất khẩu, phần nào đã giúp doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn khó khăn…
Công ty TNHH dệt may Trung Quy (Long An) vừa xuất 2 container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác ở Mỹ. Đây là lô hàng đầu tiên sau khi công ty đưa vào vận hành nhà máy sản xuất xanh, thân thiện với môi trường từ đầu năm 2023. Ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc cho biết, trong khi xuất khẩu các sản phẩm dệt may truyền thống chưa phục hồi thì các loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế vẫn có đầu ra tốt. “Có khoảng 10 nhãn hàng lớn của châu Âu, Mỹ đang tìm hiểu sản phẩm thân thiện môi trường của công ty. Nhận thấy tiềm năng thị trường lớn, Trung Quy đã phát triển 20 loại vải khác có nguồn gốc hữu cơ, sẵn sàng sản xuất khi khách hàng tăng nhu cầu. Hiện tại, nhà máy được đầu tư đồng bộ công nghệ tiên tiến của Đức, có thể sản xuất khoảng 300 tấn vải hữu cơ một tháng cho các nhãn hàng quốc tế”, ông Quy chia sẻ.
Cũng như vậy, theo đại diện Công ty TNHH Saitex International (ở KCN Amata, TP.Biên Hòa), nhờ sớm ứng dụng công nghệ hiện đại nên tỷ lệ phát sinh chất thải ra môi trường rất thấp. Các giải pháp trên giúp công ty tiết kiệm năng lượng, công lao động và hợp tác được với các thương hiệu thời trang như Everlane, Tommy Hilfiger, Calvin Klein…
“Xanh” và “số” là hai từ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đang đeo đuổi nếu muốn thích ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết. Theo ông, nếu như trước đây, theo đuổi “tính xanh” là giải bài toán chi phí thì hiện nay, điều này nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra thế giới. Chưa bao giờ tính cưỡng bức về tư duy “kinh tế xanh” lại mạnh mẽ như hiện nay.
Vừa qua, ngành dệt may thế giới còn yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy mà phải tái chế. Các quy định này được tính điểm trong đơn hàng và các doanh nghiệp đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) có đơn hàng tốt hơn, nhiều hơn.
Dẫn chứng từ cuộc “lội ngược dòng” của ngành dệt may Bangladesh, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đứng vị trí thứ 2 thế giới nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt đơn hàng xuất khẩu đồ bảo hộ, đồ phòng chống Covid-19. Thế nhưng, nếu không nâng cao được “tính xanh”, Việt Nam sẽ mất vị trí này về tay đối thủ cạnh tranh Bangladesh. Năm 2022, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), đồng thời có 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc, thậm chí là mệnh lệnh của thị trường. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt muốn tồn tại thì phải tuân thủ. “TP.HCM hiện là trung tâm công nghiệp, tài chính của Việt Nam, sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam. Để làm những điều này, thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho sản xuất xanh. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực này; khuyến khích khởi nghiệp xanh”, một chuyên gia khuyến nghị.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng khẳng định, thành phố định hướng sẽ theo đuổi xuất khẩu xanh và phát triển sản xuất, công nghiệp đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm “Phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo” của TP.HCM trong giai đoạn 2020- 2025.
“Thế giới đang đứng trước những xu hướng mới, nếu không theo kịp thì chúng ta sẽ tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi. Do đó doanh nghiệp phải thể hiện tính “có trách nhiệm” như sản xuất “xanh”, “bền vững”, “thân thiện với môi trường”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh.
Minh Lâm-Thời báo Ngân hàng