Thủ tướng: Xem xét thêm chính sách mới về lãi suất, bất động sản, trái phiếu…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp thường trực Chính phủ về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, ngày 25/4. Ảnh: VGP |
Ngày 25-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
Cuộc họp cũng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Cần thêm công cụ nào để giảm lãi suất thì ngân hàng đề xuất
Với các vấn đề này, Thủ tướng cho hay đã có nhiều văn bản chỉ đạo được Chính phủ ban hành, nên vấn đề là cần thực hiện cho hiệu quả. Đồng thời, xem xét thêm các chính sách mới, đột phá để các thị trường vốn, trái phiếu, bất động sản có thêm nguồn lực, động lực để phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý ngân hàng cần có vai trò dẫn dắt, nỗ lực giảm chi phí để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp.
Các ngân hàng cần công cụ nào có thể đề xuất với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện hiệu quả việc giảm cả lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cân đối lạm phát với tỉ giá.
Việc thực hiện chính sách tiền tệ phải kịp thời, chủ động, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả, ổn định hệ thống…
Tìm cách cung tiền hợp lý, lưu ý khả năng hấp thụ vốn để thúc tăng trưởng
Theo Thủ tướng, hiện nay chúng ta đang kiểm soát tốt lạm phát. Do đó phải nghĩ đến tăng trưởng, phải tìm cách cung tiền ra hợp lý, hiệu quả, đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết. Vấn đề là ưu tiên lựa chọn tăng trưởng nên giải pháp về ngân hàng, tiền tệ cũng phải tập trung cho mục tiêu tăng trưởng.
Ông cũng lưu ý thêm về khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Từ đó có lộ trình thực hiện, làm tốt công tác dự báo, rà soát lại các đối tượng ưu tiên; đa dạng hóa cách tiếp cận khách hàng; tìm khách hàng mới có khả năng để hỗ trợ, đưa ra các gói lãi suất hợp lý.
Đối với thị trường trái phiếu, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính phải trao đổi với doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tìm ra tiếng nói chung về giải pháp. Tăng cường quản lý nhằm tạo niềm tin thị trường, cho trái chủ mua trái phiếu trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Đối với thị trường bất động sản, cần xác định rõ trách nhiệm các bộ ngành, địa phương. Các tổ chức tín dụng sớm có hướng dẫn nội bộ, chủ động đánh giá, theo dõi, trích lập dự phòng rủi ro, giảm thiểu các hành vi trục lợi; hướng dẫn và phối hợp truyền thông, triển khai thành công các chính sách đã ban hành.
Để triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, việc thực hiện cần rà soát để tránh xảy ra tiêu cực, trục lợi, lợi dụng chính sách. Điều hành giảm lãi suất phù hợp, hiệu quả; sớm điều chỉnh gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Ngọc An-Tuổi trẻ