TP.HCM triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở – ban, ngành và địa phương năm 2023
Sáng 2/11, UBND TP. HCM đã tổ chức Hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP. HCM năm 2023.
Thêm 2 chỉ số đánh giá
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP. HCM được xây dựng dựa trên cơ sở bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là bộ chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, địa phương thành phố.
So với bộ chỉ số DDCI năm 2022, bộ chỉ số năm 2023 bổ sung thêm 2 chỉ số mới: Chỉ số xanh và Chỉ số sức khỏe và môi trường. Như vậy, các các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số năm 2023 gồm 9 nội dung: Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; Chỉ số xanh; Môi trường sống và sức khỏe; Khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Theo bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, chỉ số xanh được tham chiếu theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và định hướng thúc đẩy kinh tế xanh của lãnh đạo TPHCM. Chỉ số sức khỏe và môi trường tham chiếu thông lệ quốc tế và định hướng xây dựng TPHCM thành Trung tâm Tài chính quốc tế.
Trong tháng 9 vừa qua, TP.HCM đã tổ chức diễn đàn kinh tế với chủ đề tăng trưởng xanh. Đây là một trong các bước quan trọng để thành phố tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu, góp phần vào tiêu chí đánh giá chỉ số xanh của TP.HCM.
Về chỉ số sức khỏe và môi trường, bà Phi Vân cho rằng, đây là yếu tố thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia trên thế giới đến TP.HCM làm việc và sinh sống. Vì thế, môi trường đầu tư, sức khỏe cần đặc biệt quan tâm.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2022 , TP.HCM đã tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị này nhìn nhận những điểm mạnh, điểm hạn chế trong công tác điều hành kinh tế – xã hội. Từ đó đề ra hướng khắc phục, cải thiện hợp lý, để ngày càng nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ thiết thực hơn, tốt hơn cho doanh nghiệp và cả người dân.
Năm 2023, UBND Thành phố đã mời các chuyên gia có uy tín từ các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các viện, trường đại học tham gia Hội đồng đánh giá, đưa ra các khuyến nghị nhằm mục đích đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quá trình khảo sát, đánh giá. Bộ chỉ số đánh giá năm 2023 đã được thành phố tham vấn và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, các chuyên gia, tư vấn độc lập để đảm bảo được tính toàn diện, đa chiều từ góc nhìn của nhiều bên; có sự chắt lọc từ những tiêu chí cũ, gắn với từng ngành, từng lĩnh vực của doanh nghiệp.
“Từ kết quả thu được, TP. HCM sẽ chấn chỉnh những tồn tại, cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện việc quản trị và điều hành nền kinh tế, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thể hiện trách nhiệm với doanh nghiệp, người dân, tích cực chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.”, ông Hoan cho biết.
Được biết, vừa qua, TP. HCM đã phát hành 50.000 phiếu khảo sát đánh giá năng lực sở ngành và các địa phương để có cơ sở cải thiện môi trường đầu tư.Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá các quận huyện và 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở ngành. Năm nay, TP HCM chú trọng nhiều hơn đến sự tham gia của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm đánh giá chính sách thu hút đầu tư vào thành phố. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn phỏng vấn sâu 20-30 nhà đầu tư chiến lược, có các dự án lớn trên địa bàn.
Doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào tiêu chí đánh giá mới
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, so với năm ngoái, bộ chỉ tiêu năm nay có những điều chỉnh hợp lý và phù hợp hơn. Trong giai đoạn toàn cầu đang hướng đến việc phát triển xanh và bền vững thì việc đưa thêm 2 tiêu chí đánh giá như trên là phù hợp. Đặc biệt, năm nay UBND Thành phố đã có lắng nghe ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp, bổ sung thêm nhóm doanh nghiệp FDI, điều này sẽ khích lệ việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Ông Hòa mong muốn, việc tổ chức đánh giá phải làm sao lấy được các ý kiến đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố, gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, nên tập trung vào một nhóm ngành chiến lược. “Việc đánh giá năm nay hy vọng sẽ toàn diện hơn, sâu sắc hơn, không có sự tham gia của đối tượng được đánh giá vào hội đồng đánh giá. Việc đánh giá không phải chỉ để nhìn mà còn nhằm phân tích, giúp cho thành phố có những cải tiến tích cực hơn trong thời gian tới”, ông Hòa nói.
Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham) đánh giá cao TP.HCM đã có nhiều cải tiến về nhiều mặt, giúp nâng tầm chất lượng cuộc sống tại TP.HCM thời gian qua. Đặc biệt, với việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương năm 2023 sẽ giúp cho các ngành, các dịch vụ không ngừng cải tiến để phục vụ khách hàng được tốt nhất.
“Tôi đánh giá cao về dịch vụ y tế về dịch vụ y tế tại TP.HCM trong thời gian qua. Hy vọng, thời gian tới thành phố tiếp tục quan tâm đến thị trường vốn và tài chính, giúp TP.HCM trở thành trung tâm tài chính trong tương lai. Ngoài ra, thành phố cũng nên tiếp tục tăng cường chất lượng giáo dục, có nhiều sự hợp tác giữa các tổ chức giáo dục nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, cần tích cực cải thiện môi trường sinh sống tại thành phố, rút ngắn thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không mất nhiều thời gian”, đại diện AmCham chia sẻ.
Ông Phạm Phú Trường – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng, việc cải thiện môi trường xanh trong thời gian qua thể hiện sự thay đổi, cầu thị của thành phố để bước vào nền kinh tế toàn cầu hóa. “Bộ chỉ số đánh giá mới vừa có sự ổn định nhưng vẫn thay đổi để phù hợp, chia sẻ với nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp”.
Cộng đồng doanh nghiệp hy vọng vào việc đánh giá năm nay sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp
Ông Trần Văn Mười – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức mong muốn bộ tiêu chí đánh giá mới sẽ giúp thành phố giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng như: Việc giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, luật đất đai quy định chủ đầu tư có loại đất khác (không có đất ở) dù phù hợp quy hoạch sử dụng đất vẫn không được làm dự án nhà ở đang trở thành “vòng kìm” gây khó cho doanh nghiệp, khiến hàng trăm dự án “đắp chiếu”.
“Ngoài ra, thành phố nên quan tâm đến các dự án ven sông, quản lý lại các tuyến xe buýt hiện nay. Có những chuyến xe từ chợ Bến Thành về Long Phước chỉ có 2 hành khách mà vẫn chạy. Quản lý như vậy vừa gây lãng phí, lại gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường”, ông Mười nói.
Tâm An-Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn