Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết: Mỗi năm chỉ kiểm tra doanh nghiệp một lần
Đó là một trong 5 nội dung mà Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp trên địa bàn TP diễn ra sáng 17-3.
Lập tổ công tác về đất đai
Ngoài cam kết này, Chủ tịch UBND TP.HCM còn khẳng định lãnh đạo TP sẽ giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian để đi thực tế nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời, phấn đấu thời gian để giải quyết thủ tục đầu tư của tổ công tác liên ngành về đầu tư giảm 50% so với quy định.
Hiện TP đã có tổ công tác liên ngành về đầu tư do chính ông Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng.
Ông Phong cũng đưa ra mục tiêu đến 2020 có 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 30% mức độ 4, phấn đấu chỉ số cải cách hành chính 2018 đứng trong top 10 cả nước.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2018 TP sẽ lập tổ liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, kích cầu đầu tư, thành lập quỹ phát triển dự án, quỹ bù đắp tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức PPP hợp tác công tư.
Chủ tịch UBND TP cũng cam kết các chính sách đặc thù mà TP đang nghiên cứu, triển khai sẽ góp phần làm doanh nghiệp lớn mạnh bền vững hơn, tuyệt đối không cản trở hay tạo gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Điều tôi cần nghe nhất chính là giải pháp, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, khơi thông tiềm năng phát triển cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Doanh nghiệp muốn được đấu thầu đưa thực phẩm vào trường học
Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food, Hiệp hội Lương thực thực phẩm, kiến nghị UBND TP chỉ đạo quyết liệt để các doanh nghiệp trong hiệp hội được đấu thầu đưa sản phẩm an toàn vào trường học.
Theo bà Lâm, các doanh nghiệp sẽ dùng công nghệ để phụ huynh có thể theo dõi, kiểm soát, thậm chí chọn món ăn cho con mình. “Chúng tôi cam kết làm được điều đó. Nhiều doanh nghiệp trong hội có thể làm được việc đó”, bà Thanh Lâm nói.
Nghe kiến nghị này, ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND TP, đề nghị phía bà Lâm phối hợp với các cơ quan xây dựng đề án, gửi sớm để ông chủ trì thực hiện.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và các hiệp hội cũng trình bày các ý kiến liên quan đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển du lịch TP…
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, góp ý về chính sách mới mà Sở Xây dựng TP vừa đề xuất diện tích nhà ở trung bình tối thiểu để đăng ký thường trú vào nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ trên địa bàn TP là 20m2/người. Theo ông Châu, TP nên tham khảo diện tích mà Hà Nội đang áp dụng là 15m2.
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP, đề xuất TP.HCM nên lập tổ công tác như tổ công tác của Thủ tướng để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
88,25% là doanh nghiệp siêu nhỏ
Phát biểu tại hội nghị gặp gỡ, ông Nguyễn Thành Phong nói, những năm qua kinh tế tư nhân đã trở thành một động lực trực tiếp của TP.HCM, hiện chiếm 53,6% tổng giá trị GDP TP, và 67,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Năm 2016, số DN thành lập mới tăng 15%, nhưng số vốn đăng ký tăng 42%. Năm 2017, Dn thành lập mới cũng tăng 15% nhưng số vốn đăng ký tăng 200%.
TP được xếp thứ 2 trong số 10 TP năng động nhất thế giới. Trong số 4 doanh nghiệp Việt Nam được xếp hạng trong nhóm 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đều có trụ sở tại TP.HCM.
Theo ông Phong, hiện nay TP cũng đối mặt với những thách thức lớn. TP hiện chỉ có 1,49% doanh nghiệp lớn, còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí siêu nhỏ, trong đó 5,68% doanh nghiệp vừa, 4,58% doanh nghiệp nhỏ và 88,25% doanh nghiệp siêu nhỏ.
Một số hình ảnh gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp tại hội nghị – Ảnh: TỰ TRUNG