Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

24/09/2023

Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa tổ chức buổi gặp gỡ giữa ông Chu Tiến Dũng, Chủ Tịch HUBA với các Hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhằm nắm bắt tình hình kinh doanh và tìm hướng tương trợ cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Quang cảnh buổi gặp gỡ và trao đổi chia sẻ thân tình của HUBA và CLB Tổng thư ký, ảnh: Anh Vũ

Kết nối, tương trợ cho cộng đồng doanh nghiệp

Ngày 28/2, tại văn phòng HUBA đã có buổi gặp gỡ chia sẻ của Chủ Tịch HUBA, ông Chu Tiến Dũng với các thành viên của CLB thư ký Hội nhằm nắm bắt về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên trong giai đoạn Covid-19

Tham dự còn có ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Chủ nhiệm CLB Tổng thư ký, các thành viên lãnh đạo HUBA cùng khoảng 20 Tổng thư ký, chánh văn phòng và thư ký của các Hội và CLB đầu ngành trong thành phố như Hội Mỹ Nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA), Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM (HAMEE), Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), cùng các quận cùng về tham dự.

Theo ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký HAWA, “HAWA đang gặp khó khăn vì toàn bộ hoạt động Hội chợ triển lãm đồ gỗ đều trì hoãn. Cụ thể là ba triển lãm chính hàng năm của HAWA gồm: tháng 3, 5, 11 cần sắp xếp lại. Trong đó, triển lãm tháng 3 chuyên về đồ gỗ xuất khẩu đã thanh toán hơn 80% tiền thuê trung tâm triển lãm SECC, Q.7. Tất cả các doanh nghiệp tham gia đều đã đóng tiền đầy đủ nhưng ngày 26/2, HAWA phải công bố quyết định tạm ngưng và chưa xác định được thời gian tiếp do vướng thêm 2 lịch triển lãm tháng 5 và tháng 11.”

Nguyên nhân tạm ngưng triển lãm tháng 3 là do không có hiệu quả vì thiếu khách tham quan từ nước ngoài. Theo HAWA ước tính hàng năm sẽ có khoảng 5.000 du khách từ Mỹ, Châu Âu, Châu Á đến tham dự. Nếu không có những khách hàng này thì sẽ không có những đơn hàng xuất đi nước ngoài, công việc bị chậm lại, công nhân buộc phải nghỉ ngơi, hoạt động doanh nghiệp chững lại.

Đồng thời, đối với doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ có khoảng 1-2 ngàn công nhân thì càng khó khăn hơn với việc phòng chống dịch bệnh. Do tăng chi phí từ việc đo thân nhiệt, khử trùng, khẩu trang…

Bà Trần Thị Kiều Dung, Chánh văn phòng FFA cũng cho biết: “Thời gian gian đầu khi bùng nổ dịch thì xảy ra tình trạng khan hiếm hàng lương thực, thực phẩm cục bộ nhưng đa phần doanh nghiệp đảm bảo ổn định hàng đến hết Quý 1/2020. Do nguyên liệu đều trong nước nên không bị ảnh hưởng nhiều”.

Tuy nhiên thị trường xuất khẩu bị tác động, nông lâm thủy hải sản xuất khẩu Trung Quốc chiếm đến 35% với giá trị khoảng 6 tỉ USD. Do vậy, FFA đề nghị HUBA hỗ trợ hướng mở rộng thị trường xuất khẩu qua các nước khác. Đồng thời tổ chức các lớp chuyên đề phổ biến các tiêu chuẩn, quy định cho các thị trường khác. Nhiều doanh nghiệp của FFA chưa nắm rõ các tiêu chuẩn kiểm định xuất khẩu từ Đông Âu, Nhật Bản, Mỹ…

hoi-clb-thuky-02-5810-1582989258.jpg

Ông Chu Tiến Dũng nhận xét: “Chính phủ cũng rất quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay tuy nhiên chúng ta chưa tìm thấy một gói hỗ trợ cụ thể nào. Nếu muốn chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp, thì các Hội nên có những thống kê chi tiết và đầy đủ về thiệt hại. Chẳng hạn khuyến cáo doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm tập hợp đầy đủ chứng lý để làm nền tảng cơ sở kiến nghị cho thấy tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.”

Tương tự như trường hợp của Vietnam Airlines đã bị ảnh hưởng từ Covid-19 do phải trả vẻ máy bay, giảm chuyến bay, lỗ vài ngàn tỷ và tất cả đều chứng minh đầy đủ con số thì kiến nghị với chính phủ mới thành công.

Mặc khác, theo ông Chu Tiến Dũng, chúng ta cũng nên thương thảo với các bên để tìm hướng chia sẻ khó khăn chung tương trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch HUBA cũng cho rằng, các Hội ngành nghề và CLB hoạt động tích cực chính là nhờ vai trò của các Tổng thư ký CLB.

“Do vậy các anh chị cần xây dựng mối quan hệ gắn bó và chia sẻ hoạt động, cách làm, những bài học, phương thức… nhằm tạo mối quan hệ gắn kết với các hội viên, trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với nhau ”, Chủ tịch HUBA nhấn mạnh.

Trong nguy có cơ

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó vì dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp đã biến nguy thành cơ, tìm giải pháp để thích nghi và vượt khó trong giai đoạn này. 

Cụ thể Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ bột mì (Vikybomi) vừa hoàn thiện sản phẩm mì sợi tươi thanh long do doanh nghiệp tự nghiên cứu công thức cho ra thành phẩm.

Sản phẩm đang bán thử nghiệm tại một tiệm mì ở TP Cần Thơ. Các sản phẩm này không có hóa chất, bên cạnh các giá trị dinh dưỡng sẵn có nay bổ sung thêm vitamin C trong trái cây và có thể bảo quản trong tủ mát 25 ngày, tủ đông lên đến 6 tháng.

Tương tự, tuy không thể triển lãm đồ gỗ trong nước nhưng cơ hội đến vào tháng 7 tại hội chợ đồ gỗ của Mỹ tại Las Vegas. Nhưng Việt Nam có thể tham dự để tận dụng cơ hội do đồ gỗ Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ – Trung nên có thể tìm kiếm các đơn hàng mới. Sự kiện này được Trung tâm xúc tiến thương mại hỗ trợ chi phí thuê gian hàng, ông Thêm Phó Tổng Thư ký HAWA thông báo thêm.  

Bà Lê Thị Hồng Loan, Phó Chủ tịch HAMEE chia sẻ, hai doanh nghiệp cơ khí là công ty Lập Phúc và Duy Khánh đã liên tiếp nhận được nhiều đơn hàng tăng đột biến đến 200% trong 2 tháng đầu năm nay. Lý giải về điều này, Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc, ông Nguyễn Văn Trí cho hay, do ảnh hưởng từ COVID-19 khiến các doanh nghiệp ở Trung Quốc không thể sản xuất đáp ứng. Lập Phúc đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng để sản xuất các khuôn mẫu nhựa kỹ thuật.

Đây chính là cơ hội để các sản phẩm Việt Nam chứng minh các tính năng vượt trội đủ sức cạnh tranh với các công ty từ Trung Quốc, chinh phục các doanh nghiệp Việt Nam, ông Trí chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, do phải đảm bảo về mặt quy trình sản xuất, tối ưu chi phí sản xuất nên các doanh nghiệp cần thêm thời gian mới có thể đáp ứng được quá trình thử nghiệm, cho đến đầu ra về kỹ thuật, chất lượng.

Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo