phan van mai 1

Bí thư TP HCM: Giám sát 38 dự án giúp sàng lọc, thay thế cán bộ

18/04/2023

Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) thuộc dự án chống ngập do triều cường tháng 4/2021. Tổ giám sát dự án này do Bí thư Thành ủy TP HCM đứng đầu. Ảnh: Quỳnh Trần
Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) thuộc dự án chống ngập do triều cường tháng 4/2021. Tổ giám sát dự án này do Bí thư Thành ủy TP HCM đứng đầu. Ảnh: Quỳnh Trần 

Thông tin được Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên nói với báo chí bên lề kỳ họp thứ 9 HĐND khoá 10, sáng 18/4. Từ quý 2/2023, Thành ủy lập 13 đoàn công tác do các Ủy viên Ban Thường vụ đứng đầu giám sát 38 dự án trọng điểm ở thành phố. Bí thư Nguyễn Văn Nên làm tổ trưởng giám sát ba dự án: Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), chống ngập 10.000 tỷ đồng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên

Theo ông Nên, quá trình đồng hành các dự án trọng điểm giúp lãnh đạo TP HCM đánh giá cán bộ, ra quyết định thay người hoặc đổi chỗ cho phù hợp năng lực, phẩm chất, yêu cầu công việc. Việc giám sát còn giúp dự án đẩy nhanh tiến độ trong bối cảnh đầu tư công thành phố năm nay lớn (khoảng 70.000 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2022). Thành uỷ sẽ mời cả kiểm toán, thanh tra cùng tham gia giám sát dự án ngay từ đầu thay vì chờ làm xong như trước đây. Điều này giúp cán bộ giải toả tâm lý sợ sai, yên tâm làm việc.

“Đảng không đi để làm thay hay làm thêm mà làm cùng, hỗ trợ, chia sẻ, chỉ đạo tháo gỡ cho anh em. Tùy từng việc, Thành uỷ sẽ uốn nắn, tăng cường, hoặc cần thiết thì xử lý”, ông Nên nói.

Bí thư Thành ủy cho biết thành phố đã chỉ đạo bộ phận văn phòng tổng hợp các văn bản kiến nghị Trung ương, phân loại theo thẩm quyền, từ đó sẽ xác định kiến nghị nào đúng, đề xuất nào vượt cấp. Việc này nhằm làm rõ tâm lý sợ hoặc đùn đẩy công việc của cán bộ thành phố mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu trong buổi làm việc Thủ tướng hôm 16/4. Năm 2022, bộ này có 604 văn bản trả lời 584 văn bản mà thành phố hỏi ý kiến, trong đó hầu hết thuộc thẩm quyền thành phố.

Nói về nguyên nhân cán bộ có tâm lý e ngại, người đứng đầu Thành uỷ TP HCM cho rằng hệ thống pháp luật hiện không đồng bộ, thậm chí bất cập. Hệ quả là cán bộ không dám giải quyết công việc khi chưa xin đủ ý kiến. Ông cho rằng đây là vấn đề tồn tại ở nhiều nơi, nhiều ngành, không chỉ TP HCM. “Người thừa hành nhìn thấy vấn đề này nên lo ngại. Họ có lý của họ, chứ không hoàn toàn vô lý”, ông nói.

Riêng tại TP HCM, sau hai năm chống dịch, cán bộ quá tải, mệt mỏi. Trong khi khối lượng công việc tại TP HCM lớn hơn nhiều địa phương. Quan điểm điều hành của thành phố là làm sao vừa sức cán bộ chứ không ép quá mức, dẫn đến không đạt kết quả mong muốn.

Ông phân tích trong điều kiện dịch bệnh, TP HCM từng sẵn sàng làm việc chưa có trong luật để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân. Cụ thể như cho bác sĩ thực tập hỗ trợ tại y tế cơ sở để chống dịch, dù điều này đã được Trung ương cảnh báo là không có trong quy định. Tuy nhiên trong điều kiện bình thường có thêm yếu tố kinh tế, tình hình nhạy cảm hơn, nếu người đứng đầu xử lý không khéo có thể phát sinh vấn đề mới. Trong khi cơ quan, thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ đối chiếu luật, không căn cứ vào nghị quyết, kết luận.

Do đó TP HCM nhiều lần đề nghị và đang chờ đợi Quốc hội thể chế hoá Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thành phố chỉ có thể khuyến khích, động viên cán bộ, còn bảo vệ cần có quy định pháp luật vì Ban Thường vụ Thành uỷ không thể vượt qua luật.

Thu Hằng – Lê Tuyết-Vnexpress

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo