Nhiều hiến kế, giải pháp giúp khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM

24/09/2023

Trưa 3/10, kết luận tọa đàm với doanh nghiệp “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, trong thời gian tới, TPHCM sẽ mời các hội ngành nghề có ý kiến về những vấn đề liên quan chính sách kinh tế.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu nội địa

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp (DN), chuyên gia đã nêu lên nhiều hiến kế, giải pháp nhằm giúp khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Trần Hoàng Ngân khuyến nghị TP cùng Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công. Đồng thời, xây dựng cẩm nang về các chính sách ưu đãi đầu tư thiết kế riêng cho TPHCM; đặc biệt là thiết kế riêng cho ngành công nghệ cao của TP. Đẩy mạnh chính quyền số, tăng cường ứng dụng công nghệ, tăng tính minh bạch thông tin, làm sao để hồ sơ của các DN đến các sở, ngành, các DN có thể theo dõi được nếu thiếu thì công bố ngay để DN bổ sung. Cùng với đó, cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu nội địa, đẩy mạnh liên kết vùng.

Đối với DN cần đổi mới tư duy quản lý và có tầm nhìn dài hạn, có sự liên kết sản xuất theo chuỗi của các DN trong hiệp hội với nhau để sử dụng, hạn chế sự đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài. Để ứng dụng công nghệ cao trong quản trị điều hành, TP nên có gói hỗ trợ kích cầu đầu tư cho DN đổi mới quản trị và ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kể cả đổi mới máy móc thiết bị. Song song đó, trong lúc tạm ngừng hoạt động do giãn cách, các DN dành thời gian này để sắp xếp lại DN của mình, bồi dưỡng, đào tạo bổ sung cho người lao động để thích ứng với tình hình mới, tạo ra những sản phẩm thích ứng với bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Về chính sách dài hạn, TP đẩy nhanh các chương trình số hóa; ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút FDI có chọn lọc và FDI có khả năng với DN trong nước để chia sẻ, thúc đẩy sự phát triển của DN. Đẩy mạnh giao thương quốc tế đối với các đối tác quan trọng.  

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: TTBC)Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: TTBC)

Đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Chu Tiến Dũng kiến nghị xem xét điều chỉnh các điều kiện để các gói chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh các chương trình kích cầu trong nước như du lịch, các chương trình chi tiêu mua sắm, các gói đầu tư công, mua sắm của nhà nước… để phát triển mở rộng tổng cầu thị trường trong nước. Hỗ trợ DN hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa như chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ các DN đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản thay cho xuất khẩu thô nông sản, hỗ trợ mạnh cho các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các DN có dự án đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường.

Còn Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đề xuất TP tháo gỡ đầu tư tư nhân để hấp thụ vốn; xây dựng chương trình phục hồi gắn với tái cơ cấu để áp dụng trong năm 2021, 2022 giúp DN tái cơ cấu lại thị trường, chuyển đổi số.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fullbright khuyến nghị TP phải giữ cho được lực lượng DN để tạo nội lực, nền tảng phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế; bảo vệ phúc lợi của DN và người dân; chính quyền TP cùng đồng hành với DN, người dân. Đồng thời, có các chính sách nhắm đúng mục tiêu, đối tượng. Mặt khác, TP thực hiện mục tiêu “kép”, đó là duy trì các hoạt động kinh tế bình thường; cũng như có tầm nhìn về trung và dài hạn. Bên cạnh đó, TP đề xuất Trung ương giảm 30% thuế cho DN; Nhà nước có quỹ bảo lãnh tín dụng; gia hạn các loại thuế đã có chính sách và kéo dài thời gian thực hiện, giảm thuế giá trị gia tăng có thời hạn.  

Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. (Ảnh: TTBC)Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. (Ảnh: TTBC)

Xây dựng phần mềm lắng nghe ý kiến sự phục vụ của các ngành đối với DN

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: TP sẽ có bộ phận nghiên cứu xem việc DN tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ như thế nào để báo cáo Chính phủ. Bởi vì, TP là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, số lượng DN chiếm gần 50% DN cả nước. Đồng thời, nhìn nhận thực tế thời gian qua, vai trò của các hiệp hội, hội ngành nghề rất quan trọng nên trong thời gian tới những vấn đề liên quan chính sách kinh tế của TP mà liên quan đến ngành nào thì TP sẽ mời các hội ngành nghề đó có ý kiến. Bởi vì, các DN là người thụ hưởng chính sách nên việc TP nắm tâm tư, vấn đề khó khăn vướng mắc của DN để TP đề ra các chính sách đúng với tình hình và hoạt động của các ngành.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. (Ảnh: TTBC)Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. (Ảnh: TTBC)

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, hiện nay vướng mắc của DN có hai vấn đề. Đó là những vướng mắc do sự phối hợp giữa các ngành, TP có chỉ đạo cải thiện cho tốt hơn. Còn những vướng mắc do quy định pháp luật phải xin ý kiến của các cơ quan Trung ương thì TP đề nghị DN phối hợp để cùng tháo gỡ từ phía các Bộ, ngành.

Về đón làn sóng đầu tư dịch chuyển, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, đây là một xu thế và TP đã nhìn thấy vấn đề này. Do đó, TP đang nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn. Bên cạnh hỗ trợ DN nước ngoài, TP cũng không quên đội ngũ DN trong nước hiện nay bằng việc tạo điều kiện xây dựng thành tập đoàn lớn đủ sức cạnh tranh. Về gói tín dụng hỗ trợ DN, TP sẽ mời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào làm việc với TP để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đối với Quỹ bảo đảm DN giao Sở Tài chính báo cáo cụ thể cho UBND TP để có hướng xử lý trong thời gian tới.

Nguồn: thanhuytphcm.vn

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo