huba chance

Phó thống đốc chất vấn các ngân hàng cho vay lãi suất cao

25/04/2023

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay chỉ khoảng 9-10%/năm nhưng vẫn có một số ngân hàng đưa ra mức 12-13%/năm.
 Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay chỉ khoảng 9-10%/năm nhưng vẫn có một số ngân hàng đưa ra mức 12-13%/năm. Ảnh: Quang Thắng.

Phó thống đốc Đào Minh Tú chất vấn một số ngân hàng có lãi suất đầu ra chênh lệch lớn so với huy động trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Tại cuộc họp ngày 25/4, Phó thống đốc Đào Minh Tú đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay với toàn ngành. Mức lãi suất đầu ra bình quân 13-14% một năm theo ông Tú là quá cao, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn hiện nay.

Một số ngân hàng bị Phó thống đốc “điểm tên” vì cho vay cao và chênh lệch lớn với lãi suất đầu vào. Điều này theo ông, đang ảnh hưởng tới nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất của toàn ngành.

Đại diện KienlongBank giải thích, họ huy động chủ yếu trên thị trường dân cư và doanh nghiệp với kỳ hạn dài nên lãi suất đầu ra cũng phải ở mức cao, để đảm bảo khả năng hoạt động và quản lý rủi ro.

Còn đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng lãi suất cho vay của nhà băng này cao hơn thị trường do có tệp khách hàng đặc thù. VPBank là một trong những ngân hàng có định hướng phát triển phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong lĩnh vực kinh doanh, nhà băng cũng mạnh về cho vay tín chấp với rủi ro cao, do đó mức lãi suất cũng có sự khác biệt so với thị trường.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Ngân hàng Việt Á (VietABank) cũng nói họ có đặc thù riêng với phân khúc khách hàng cá nhân. Đại diện nhà băng nhìn nhận lãi suất cho vay có xu hướng giảm chậm hơn huy động. Tuy nhiên, đại diện VietABank khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ kéo lãi suất về mặt bằng chung toàn ngành.

Phản hồi của các ngân hàng, Phó thống đốc cho là chưa thoả đáng, vì mấu chốt họ đang huy động lãi suất thấp, nhưng cho vay ra cao.

Ông cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt các nhà băng trong điều chỉnh lãi suất, không để chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra cao như hiện nay. Một số ngân hàng hạ lãi suất huy động nhưng lại tăng ở đầu cho vay so với cuối 2022. Điều này theo ông Tú “phải xem xét lại, liệu có phải do nguyên nhân về thiếu thanh khoản hay không”.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến 20/4 của hệ thống chỉ tăng 2,57% so với đầu năm. Tín dụng tăng thấp theo lý giải do cầu thấp, ngân hàng thận trọng cấp vốn. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn khó khăn cũng là nguyên nhân khiến tín dụng bất động sản trầm lắng, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng toàn ngành.

Trong bối cảnh nhu cầu vốn ảm đạm như hiện nay, Phó tổng giám đốc của Ngân hàng Quân đội (MB), bà Phạm Thị Trung Hà, kiến nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng.

Về phía ngành ngân hàng, theo bà Hà, thanh khoản đang tốt, nhà băng không thiếu vốn và sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần xem xét và tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát – tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền và tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Quỳnh Trang-VnExpress

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo