cafe doanh nhân huba 70

Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 70: Cơ chế đặc thù – cơ hội để doanh nghiệp phát triển cùng Thành phố

17/06/2023

Sáng 17/6, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 70 với chủ đề “Cơ chế đặc thù – cơ hội để doanh nghiệp phát triển cùng Thành phố”.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, cùng với chuẩn bị cho nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TP đang ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM với 150 đầu việc phải làm. Trong đó, có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và cũng rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để cụ thể hóa các việc này, tạo không gian kinh tế lớn của TP.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin thêm, nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 lần này TP thiết kế đề xuất các cơ chế chính sách vừa để tháo gỡ một phần vướng mắc hiện hữu vừa tạo cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Như vậy nguồn lực đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp TP, cả trong nước và nước ngoài, có cả cơ hội và cạnh tranh. TPHCM rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nên sẽ gửi bản dự thảo về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để cộng đồng doanh nghiệp theo dõi. Với nhiều đầu việc phải làm từ các nghị quyết, TPHCM mong cộng đồng doanh nghiệp sẽ tham gia cùng với TPHCM cụ thể hóa việc thực hiện nội dung của các nghị quyết. Việc cụ thể hóa sẽ mang lại nhiều cơ hội để TPHCM phát triển. Điều này cũng có nghĩa khi thành phố phát triển sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, với nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sắp tới, TPHCM thiết kế các cơ chế chính sách để vừa tháo gỡ những vướng mắc hiện hữu, vừa tạo ra những cơ hội để thành phố thu hút các nguồn lực đầu tư của cộng đồng cả nước, kể cả ở nước ngoài. Đây là cơ hội cạnh tranh của các doanh nghiệp để phát triển. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đề xuất để có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh hơn để thành phố chủ động quyết định, giải quyết các vấn đề nhanh hơn. Đây là hai điểm mấu chốt trong thiết kế các giá trị kinh doanh để phát triển kinh tế TPHCM.

Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, thành phố đã xây dựng chính sách chuyển đổi số. Tới đây tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược, lộ trình và đặc biệt là phần chính sách cho chuyển đổi xanh. Chính sách này hiện TPHCM đang giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phối hợp cùng với các cơ quan, các chuyên gia hoàn thiện để có những bước đi rõ ràng.

TPHCM sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đổi xanh và có thể sẽ trình HĐND TPHCM ban hành chính sách này trong thời gian tới. Và trong chương trình kích cầu sắp tới, TPHCM sẽ tính toán để làm sao hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Hơn thế, TPHCM đang xây dựng một chiến lược với đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu của thành phố. Trong đó có kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin để doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư và phát triển chứ không chỉ thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam… Điều này sẽ cần phải có sự đồng hành của Chính phủ, của chính quyền trong giai đoạn ban đầu.

“Với những chủ trương và chính sách mà Chính phủ và Trung ương ban hành trong những tháng gần đây và thời gian tới, TPHCM đang cụ thể hóa và có những chính sách để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt và tiếp tục phát triển. Trước mắt, TPHCM sẽ có những chính sách hỗ trợ, giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường, mở thị trường mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu; giải quyết vấn đề hàng tồn kho cho doanh nghiệp và vấn đề quan trọng là tìm những thị trường để doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa” – Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay.

Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp TP về những điểm quan trọng trong dự thảo nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 24/6 tới; đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gắn kết với các chủ trương, chính sách đề ra trong nghị quyết để tìm cơ hội phát triển cho mình và đóng góp vào sự phát triển của TPHCM.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế
Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đã gắn bó với quá trình phát triển của TPHCM từ Nghị quyết 54 và xây dựng dự thảo nghị quyết mới, cho rằng, nhiều cơ chế chính sách hiện nay đối với TPHCM đã trở thành “cái áo quá chật”, cản trở sự phát triển. Dự thảo nghị quyết mới đề xuất có thể chế phù hợp với một siêu đô thị, có cơ chế tài chính phù hợp để TP huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp của TP hiện nay có khoảng 250.000 doanh nghiệp đang tái cơ cấu, 450.000 hộ sản xuất kinh doanh với quy mô khác nhau, cần TP tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ để phát triển bền vững.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch: Những vấn đề như vậy tạo ra nền tảng phát triển trong những năm tới mà lâu nay chúng ta gọi là điểm nghẽn. Đó là mấu chốt cho TP vươn lên, là không gian phát triển, thể chế cho phát triển, tạo ra sự phát triển mới.

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo