Cafe doanh nhân Huba lần thứ 66: Tìm giải pháp tài chính cho doanh nghiệp
Chương trình Cà phê Doanh nhân Huba lần thứ 65 đi tìm giải pháp tài chính cho doanh nghiệp dự đoán tình hình tài chính cũng như các khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải vượt qua trong tình hình Fed tăng lãi suất
Thời kỳ khó khăn sẽ không quá dài
Phát biểu tại chương trình Cà phê Doanh nhân Huba do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức ngày 26/11, Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven cho rằng nền kinh tế Việt Nam năm nay gặp phải cùng lúc những khó khăn có tính ảnh hưởng dây chuyền trên toàn cầu không ai dự báo trước được như xung đột Nga – Ukraine, giá dầu tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ảnh hưởng dây chuyền đến tất cả ngoại tệ khác trên toàn cầu.
“Sức khỏe nội tại của nền kinh tế Việt Nam là có. Khó khăn trước mắt của chúng ta chỉ là nhất thời. Điều kiện vĩ mô của Việt Nam bây giờ đã khác xa so với 10 năm trước. Nếu hỏi kinh tế Việt Nam có khó khăn bằng lúc đó hay không thì rõ ràng là không”, ông Dominic Scriven nhận định.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cho rằng dù nền kinh tế Việt Nam đang chịu thách thức kép từ các vấn đề bên ngoài và những vấn đề bên trong liên quan thị trường tài chính – bất động sản khiến dòng vốn ngưng trệ nhưng thời kỳ khó khăn sẽ không quá dài, doanh nghiệp nào có thể vượt qua giai đoạn này sẽ phát triển tốt trong tương lai.
Theo ông Lịch, hiện nay, tổng lượng cung tiền không thiếu nhưng thị trường đang thiếu vốn. Vì vậy, phải nhìn nhận đúng những điểm nghẽn khiến dòng tiền chưa lưu chuyển trong nền kinh tế thay vì tăng cung tiền có thể dẫn đến lạm phát.
Cụ thể, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm trong khi nguồn vốn này có tính lan tỏa rất lớn. Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vấn đề sau thời gian dài sử dụng công cụ vay nợ thái quá, chưa có hệ thống quản trị rủi ro tài chính và phải tự tái cấu trúc trước khi chờ sự “giải cứu”.
Trong bối cảnh hiện nay, một số doanh nghiệp có thể vẫn còn lượng tiền mặt nhưng nhận thấy thị trường xuất khẩu yếu nên cũng chưa dám đầu tư, ngại vay vốn vì lãi suất cao.
Dù vậy, ông Lịch nhìn nhận so với giai đoạn khủng hoảng 2008-2011, nội lực, khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam hiện nay đã tốt hơn nhiều. “Có thể một vài tháng tới sẽ còn khó khăn nhưng hệ thống tài chính của chúng ta vẫn sẽ đứng vững”, ông Lịch khẳng định.
Tự tái cấu trúc trước khi chờ chính sách
Về giải pháp khơi thông nguồn vốn, TS Trần Du Lịch cho rằng giải ngân mạnh mẽ đầu tư công là quan trọng nhất, ngay lập tức sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên các ngành xây dựng, vật liệu. Còn mỗi doanh nghiệp sẽ có những bài toán khác nhau phụ thuộc thị trường của mình là xuất khẩu hay nội địa.
Ông Nguyễn Quang Thanh – Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) – cho rằng tình hình hiện nay cho thấy các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn dễ gặp rủi ro khi môi trường bên ngoài thay đổi. Bản thân các doanh nghiệp đang khó khăn phải tái cấu trúc trước khi chờ đợi các chính sách của Nhà nước vì tác động của chính sách lên thị trường luôn có độ trễ.
Ông Thanh gợi ý doanh nghiệp nên phát triển quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng thay vì chỉ một bên để hạn chế khả năng bị vạ lây khi ngân hàng hết room. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc phương án mời gọi doanh nghiệp khác đầu tư vì vẫn có những đơn vị còn tiền mặt, sẵn sàng giải ngân nếu có dự án tốt.
Về phía ngân hàng, Phó tổng giám đốc VietA Bank Phạm Linh cho rằng các doanh nghiệp cần đầu tư quản trị tài chính. Những nhân sự có chuyên môn trong lĩnh vực này sẽ tư vấn chủ doanh nghiệp cách quản lý dòng tiền, tỷ lệ đòn bẩy hiệu quả hơn.
Ông Linh cũng cho biết có các tổ chức nước ngoài vẫn đánh giá tốt về kinh tế Việt Nam, có nhiều nguồn vốn ngoại sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt vay. Do đó, doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm kênh này bên cạnh vốn của ngân hàng thương mại trong nước.