Khai mạc Diễn đàn kinh tế TPHCM 2018: Doanh nghiệp sẽ thành động lực của đô thị sáng tạo
Với Diễn đàn kinh tế TPHCM 2018 (HEF), Chính quyền TP.HCM cam kết làm hết sức mình để doanh nghiệp trở thành động lực của đô thị sáng tạo, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, khung pháp lý minh bạch; sẵn sàng đáp ứng và hỗ trợ các yêu cầu của doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Diễn đàn kinh tế TPHCM 2018 (HEF) với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác – vai trò động lực của doanh nghiệp” thảo luận vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo, lắng nghe các sáng kiến để kết nối 4 nhà: Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà đầu tư tài chính trong việc nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.
“Tốc độ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là không có tiền lệ, đã lan tỏa và tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất. Làm thế nào để huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực doanh nghiệp để cùng góp sức đưa Thành phố phát triển lên tầm cao mới”, Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh.
TPHCM triển khai Đề án Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, điểm nhấn là xây dựng Khu Đông gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo trên nền tảng kinh tế số và kinh tế tri thức. Nơi đây sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là nền tảng để triển khai đề án đô thị thông minh trên toàn Thành phố.
Trên cơ sở đó tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa đổi mới, khởi nghiệp và mở rộng doanh nghiệp (bao gồm vườn ươm doanh nghiệp), bất động sản đô thị, dân dụng, công nghiệp và thương mại (bao gồm cả không gian hợp tác mới), cơ sở hạ tầng dựa trên địa điểm, cơ sở giáo dục và đào tạo và các trung gian để quản lý hệ sinh thái đổi mới.
Hiện nay TPHCM đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp, 15% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 32% số doanh nghiệp của cả nước, đây là nền tảng khi Thành phố chuyển mình thành một siêu đô thị.
“Để xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo, cần có sự gắn kết, tương tác giữa “tứ giác” của cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gồm Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà đầu tư tài chính, trong đó doanh nghiệp vừa đóng vai trò trung tâm, vừa là động lực cho đổi mới sáng tạo. Thành phố sẽ tìm cách huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh của 372.000 doanh nghiệp trên địa bàn trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo”, Chủ tịch TPHCM khẳng định.
Trình bày kế hoạch đô thị sáng tạo, ông Lê Thanh Liêm – Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ năm 2017, Đề án Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh đã được bổ sung nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Điểm bắt đầu là đưa Khu Đông thành đô thị sáng tạo nhằm thiết lập chuỗi giá trị từ nghiên cứu khoa học cơ bản, ứng dụng, đào tạo, thiết kế cho đến sản xuất, tiêu thụ và cung ứng dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế.
Theo đó, TPHCM tập hợp các nhà lãnh đạo từ các tổ chức, doanh nghiệp, các viện, trường, nhà quản lý thành mạng lưới hợp tác về lập chương trình, thiết kế, phân phối, tiếp thị và quản trị.
Sự hợp tác này nhằm tăng cường liên kết, đề ra các giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Tầm nhìn đặt ra cho phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực kinh tế (kinh doanh), đô thị (không gian vật chất), xã hội (đào tạo và thu hút nguồn nhân lực).
TPHCM xây dựng chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo nền tảng cho các công ty sáng tạo. Xây dựng môi trường phù hợp cho đội ngũ khoa học với các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu có mức độ tập trung cao, là môi trường cho các ý tưởng sáng tạo, các nhà đầu tư mạo hiểm dễ dàng tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.
Trên cơ sở đó thúc đẩy tăng trưởng bằng cách sử dụng khu vực đổi mới làm nền tảng để tạo cơ hội giáo dục, việc làm và các cơ hội khác cho cư dân có thu nhập thấp.
Với cách tiếp cận của cơ quan tài chính đặt trong hoàn cảnh cụ thể của TPHCM, ông Ousmane Dione – Giám đốc World Bank tại Việt Nam, cho rằng phải tận dụng công nghệ đột phá với sự bổ sung của ngành công nghiệp phụ trợ có hiệu quả cao. Để thành công thì chính sách phải cho phép đổi mới sáng tạo cả về cơ sở hạ tầng cứng và mềm, nghĩa là cả hạ tầng kỹ thuật lẫn nguồn lực con người.
“Vốn con người phải được nghĩ tới ngay khi hình thành ý tưởng đô thị sáng tạo, xem xét nguồn vốn này phát triển thế nào trong môi trường kinh doanh và nguồn lực phân bổ được hiệu quả”, người đứng đầu WB tại Việt Nam chia sẻ.Theo ông Ousmane, để phát triển vốn con người, cần tạo điều kiện cho phòng thí nghiệm, nơi nghiên cứu cho các viện, trường, thu hút, giữ chân và phát triển nhân tài, phát triển kỹ năng kỹ thuật, tạo ra môi trường phát triển nhân tài mới; thiết lập mạng lưới cộng đồng chia sẻ ý tưởng.
TS. Emmanuel A.San Andres – chuyên gia hỗ trợ chính sách của APEC cho rằng, điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo là đầu tư cho R&D, việc phát triển kinh tế phải nhất quán với đào tạo nguồn nhân lực. Để nền kinh tế theo kịp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới phải từ cạnh tranh, bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Ở một góc nhìn khác, TS.Ahmad Magard – Tổng thư ký Liên đoàn Sản xuất Singapore cho rằng, mọi cơ chế hợp tác phải thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều then chốt của nền kinh tế sáng tạo là thiết lập môi trường phù hợp với kinh doanh và thương mại hóa các ý tưởng, giảm thiểu rủi ro và nuôi dưỡng sức sáng tạo.
Đến từ Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Hàn Quốc), GS. Cha Sang-Kyun – Viện trưởng, khuyến cáo, chỉ có đào tạo mới giúp phá vỡ các rào cản quán tính của giai đoạn công nghiệp 2.0, đặc biệt tình trạng chung hiện nay là các ngành công nghiệp thay đổi rất nhanh nhưng giáo dục không thay đổi kịp.
“Từ nhà nghiên cứu cho đến lao động bình dân, đặc biệt người trẻ phải được học tập liên tục để tiếp cận sự thay đổi. Cơ chế chính sách mới phải hạn chế được khuyết điểm lớn nhất hiện nay là sự riêng rẻ giữa các bộ, ngành và cơ quan chính phủ, chính sách chưa đủ mạnh để phá vỡ các biên giới đó để họ làm việc chặt chẽ và hợp tác”, ông chia sẻ.
Không gian cho đô thị sáng tạo
Tại phiên thảo luận về giải pháp thúc đẩy kế hoạch xây dựng Khu Đông TPHCM thành đô thị sáng tạo – tương tác, các diễn giả cho rằng, để có thể hiện thực hóa ý tưởng này, cần phải có không gian cho đổi mới sáng tạo.
Kết quả nghiên cứu xác định năng lực tiệm cận đô thị thông minh của TPHCM của Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho thấy, TPHCM chiếm ưu thế lớn nhất trong hầu hết các chỉ số đánh giá về năng lực tiệm cận đô thị thông minh của khu vực Đông Nam bộ.
Cụ thể, TPHCM đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng. Bên cạnh đó, chất lượng sống có nhiều điểm nghẽn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện về y tế và an toàn thực phẩm, tuy nhiên giữa cung và cầu còn khoảng cách khá xa.
Để tiếp cận được đô thị thông minh, theo ông Nguyễn Trọng Hoài – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, TPHCM phải hướng đến xây dựng chiến lược bền vững vì mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, Thành phố phải nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính phủ điện tử, khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, khuyến khích công nghệ smartcity từ các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước.
Theo ông Huỳnh Thế Du – giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, việc cạnh tranh của các quốc gia hiện nay là cạnh tranh giữa các siêu đô thị. Do vậy, việc TPHCM chọn Khu Đông để phát triển là phù hợp.
TS. Trần Du Lịch – thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ý tưởng xây dựng khu đô thị sáng tạo tại TPHCM đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do TPHCM chưa có cơ chế mang tính tự chủ để tạo không gian sáng tạo.
Theo ông Trần Du lịch, có 3 nền tảng để kiến tạo khu đô thị sáng tạo là thể chế, công nghệ và con người, nhưng xét cho cùng con người và công nghệ cũng từ cơ chế mà ra. Do vậy, cho dù có quyết tâm chính trị và các yếu tố khác nhưng nếu không có cơ chế tự chủ để có không gian sáng tạo thì ý tưởng về khu đô thị sáng tạo tại TPHCM cũng không thể thành hiện thực.
Theo PGS-TS. Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các trường đại học và viện nghiên cứu – là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nghiệp khởi nghiệp – chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.
“Cần xem việc xây dựng khu đô thị sáng tạo là một lộ trình chứ không phải là một đích đến cụ thể nào. Lộ trình xây dựng đô thị sáng tạo đòi hỏi có hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, nơi hấp dẫn giới công nghệ, nơi có phòng thí nghiệm cho các ý tưởng đổi mới” – ông Đạt nhấn mạnh.
Theo TS. Đạt, lãnh đạo TPHCM đã có chủ trương rà soát quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội Khu Đông, hướng tới thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo ở khu vực này. Thông qua lộ trình đó, TPHCM định hướng ưu tiên phát triển một số ngành khoa học – kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường.
“Khi xây dựng đô thị sáng tạo sẽ nảy sinh xung đột về đời sống và sinh kế giữa những lao động trung cấp, cao cấp với cộng đồng dân cư tại chỗ. Điều quan trọng là đô thị sáng tạo phải gắn liền với chất lượng cuộc sống đô thị chứ không phải càng phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống, sự hài lòng của người dân về môi trường càng đi xuống” – ông Đạt lo ngại.
Ông Jay Wadhwani – Trưởng Ban Điều hành Mitsubishi Heavy Industries chia sẻ: Khu Đông TPHCM đang đô thị hóa với tốc độ cao. Do đó, khi xây dựng đô thị sáng tạo cần đầu tư công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí và sạch hơn, cũng như xây dựng hệ thống giao thông thông minh để giảm thiểu ùn tắc và khí thải.
Nói về những cơ hội cũng như thách thức đối với TPHCM khi xây dựng đô thị sáng tạo, TS. Emmanuel San Andres – Trưởng Dự án nghiên cứu thành phố bền vững và phát triển đô thị – cơ quan hỗ trợ chính sách thuộc APEC, cho rằng công nghệ số sẽ nâng cao năng suất lao động nhưng cũng tạo ra cạnh tranh gay gắt về nguồn lực lao động. Thách thức trong công nghiệp 4.0 là nguy cơ ngày càng có nhiều người thất nghiệp hơn, nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân sự hay sự chệnh lệch về kỹ năng của nhân sự.
PGS-TS. Lê Hoài Quốc – Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) cho biết, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy các khu công nghệ cao có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển thành công của đô thị sáng tạo.
Cụ thể là các hạng mục như thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy nâng cao năng suất và phát triển các ngành công nghệ cao, thúc đẩy kết nối, cộng tác. Do đó trong thời gian tới, SHTP sẽ chủ động hơn nữa trong việc xúc tiến hình thành đô thị sáng tạo, thúc đẩy quá trình lan tỏa công nghệ cao, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu.