Góp ý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Thông qua Nghị quyết số 68‑NQ/TW ban hành ngày 4/5/2025, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định trọng tâm của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Mục tiêu của nghị quyết là tháo gỡ các rào cản hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, qua đó góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong quá trình cải cách, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh năng động, cạnh tranh và bền vững cho các doanh nghiệp tư nhân.
Song song với đó, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đặc biệt hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo này nhấn mạnh việc tạo ra khung pháp lý đồng bộ, hỗ trợ tài chính, cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy các chính sách góp phần phát huy tối đa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Để đảm bảo các chính sách này thực sự phù hợp với thực tiễn, Quốc hội đã chủ động gửi văn bản lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị, tổ chức, và cá nhân, tạo cơ hội cho các bên liên quan cùng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) đã tích cực phối hợp bằng cách gửi nội dung của Nghị quyết đến các doanh nghiệp và tổ chức liên quan để lấy ý kiến đóng góp. Sự tham gia chủ động của HUBA góp phần làm giàu thêm chất lượng của dự thảo và hướng tới một hệ thống chính sách thực tiễn, hiệu quả trong việc tạo động lực phát triển cho kinh tế tư nhân.
Tổng thể, quá trình ban hành Nghị quyết số 68‑NQ/TW và việc thu thập ý kiến từ các bên liên quan đánh dấu một xu thế quản lý và hoạch định chính sách dân chủ, minh bạch và gắn liền với thực tiễn kinh doanh. Phương pháp này không chỉ giúp giải quyết những bất cập trong hệ thống quản lý hiện hành mà còn góp phần tạo dựng niềm tin cho giới doanh nghiệp, từ đó kích thích đầu tư, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh trên quy mô quốc gia.
Qua đó, các đơn vị, tổ chức, và cá nhân có thể xem thông tin dự thảo Nghị quyết và đóng góp ý kiến cho nội dung sau:
QUYẾT NGHỊ
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị quyết này áp dụng đối với:
1. Doanh nghiệp thuộc các trường hợp sau:
a) Có cá nhân, nhóm cá nhân có quốc tịch Việt Nam nắm giữ từ 50% vốn trở lên hoặc dưới 50% vốn nhưng có tỷ lệ vốn có quyền biểu quyết lớn nhất;
b) Có doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 50% vốn trở lên hoặc dưới 50% vốn nhưng có tỷ lệ vốn có quyền biểu quyết lớn nhất;
c) Có cá nhân, nhóm cá nhân có quốc tịch Việt Nam, doanh nghiệp quy định tại điểm b khoản này nắm giữ từ 50% vốn trở lên hoặc dưới 50% vốn nhưng có tỷ lệ vốn có quyền biểu quyết lớn nhất.
2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp thực hiện hoạt động khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh, rủi ro cao và tạo ra giá trị đột phá về kinh tế và xã hội.
2. Hộ kinh doanh là tổ chức kinh tế do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
3. Cá nhân kinh doanh là cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm, có mã số thuế, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân, nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh.
Chương II. CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
Điều 4. Nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh
1. Phải phân định rõ trách nhiệm giữa hình sự với hành chính, dân sự; giữa hành chính với dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân.
2. Đối với sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
3. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.
4. Đối với sai phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
5. Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
6. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận và thực hiện công bố công khai kết luận này.
7. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
8. Bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong toả tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong toả tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
9. Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp.
10. Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Điều 5. Nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh
1. Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá một (01) lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.
2. Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
3. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Điều 6. Giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn
1. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn về giải quyết phá sản doanh nghiệp ngoài các trường hợp được quy định tại Luật Phá sản.
2. Rút ngắn 30% thời gian xử lý thủ tục phá sản.
3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.
Chương III. HỖ TRỢ TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI, MẶT BẰNG SẢN XUẤT KINH DOANH
Điều 7. Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ
1. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ dành một phần quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.
2. Các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 05 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư thông qua việc khấu trừ tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ về hạ tầng mặt bằng sạch, xây dựng hệ thống điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ủy ban nhân dân cấp tính căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực của địa phương, quyết định định mức và tiêu chí nội dung này.
6. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức giảm tiền thuê lại đất tại khoản 3 Điều này.
Điều 8. Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công
1. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương.
2. Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương IV. HỖ TRỢ TÀI CHÍNH, TÍN DỤNG VÀ MUA SẮM CÔNG
Điều 9. Hỗ trợ tài chính, tín dụng
1. Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất (2%/năm) khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
2. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các chức năng sau đây:
a) Cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
b) Cho vay khởi nghiệp;
b) Tài trợ vốn mồi cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, dự án xây dựng vườn ươm;
c) Đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương, quỹ đầu tư tư nhân để tăng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
d) Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều 10. Hỗ trợ thuế, lệ phí
1. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 03 năm và giảm 50% trong 02 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
3. Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 03 năm và giảm 50% trong 02 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
4. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
5. Bãi bỏ hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 01 tháng 7 năm 2026 . Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng phương pháp khai thuế, tính thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
Điều 11. Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu
Gói thầu mua sắm công có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.
Chương V. HỖ TRỢ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC
Điều 12. Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
1. Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
2. Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Điều 13. Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
1. Bố trí ngân sách nhà nước để triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.
2. Cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Chương VI. HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ LỚN, DOANH NGHIỆP TIÊN PHONG
Điều 14. Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia
1. Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia.
2. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu đối với các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách trên cơ sở đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Điều 15. Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu
Nhà nước hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu thông qua các chương trình sau:
1. Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
2. Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global) để hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, thưởng thành tích xuất khẩu, tư vấn, pháp lý, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, mua bán sáp nhập, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia.
Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ quy định chi tiết và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
2. Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết này, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và khả thi; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.
3. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này được xem xét loại trừ, miễn trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan.
4. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 17. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.
2. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.
3. Bãi bỏ lệ phí môn bài quy định tại mục 3.III phần B Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Phụ lục số 01 (Danh mục phí, lệ phí) của Luật Phí, lệ phí số 97/2015/QH13 từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.