Nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt – Nga

24/09/2023

Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định, Việt Nam và Liên bang Nga đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư.

Thưa Thứ trưởng, mặc dù Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời và là đối tác chiến lược toàn diện, nhưng nếu xét trên khía cạnh đầu tư, thì dường như vẫn còn một khoảng trống?

Đúng là hợp tác về đầu tư giữa hai nước là chưa xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, Nga vẫn là một trong những nước có đầu tư đáng kể vào Việt Nam, với 66 dự án đầu tư còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 771,9 triệu USD, đứng thứ 22/89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

30 1

Nga là thị trường đầu tư lớn thứ hai trong
số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ mà DN Việt Nam đã đầu tư. Ảnh: Ngọc Thanh

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đầu tư khá lớn vào Liên bang Nga, với 17 dự án và tổng vốn đầu tư 945,3 triệu USD. Nga là thị trường đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong tổng số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư. 

Trong số này có một số dự án rất đáng chú ý, như Dự án Tổ hợp khách sạn – văn phòng và trung tâm phát triển du lịch thương mại Việt Nam tại Mátxcơva; Dự án Công ty cổ phần Đầu tư trung tâm thương mại Hà Nội – Mátxcơva… Những con số này đã phần nào phản ánh được sự phát triển đáng kể trong mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước. 

Nhưng thưa Thứ trưởng, có vẻ như dấu ấn duy nhất trong hợp tác đầu tư từ phía Nga chỉ là Dự án Vietsovpetro…? 

Liên doanh Vietsovpetro hoạt động trên cơ sở hiệp định liên chính phủ và đúng là dấu ấn trong hợp tác Việt – Nga đã thể hiện rất rõ trong dự án này. Tuy nhiên, ngoài Vietsovpetro, còn rất nhiều dự án khác của Nga đã và đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chẳng hạn, dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại lô 129-132, có tổng vốn đầu tư 328 triệu USD; dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Nưa, vốn đầu tư 37,5 triệu USD; dự án nuôi tôm, đánh bắt, chế biến hải sản và rau quả xuất khẩu SEAPRIMFICO, vốn đầu tư 16 triệu USD… 

Nhưng cũng phải thừa nhận là, ngoài các dự án khai khoáng, hầu hết các dự án của Nga ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ và trung bình và như tôi đã nói, sự hợp tác đầu tư này là chưa xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thời gian tới, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thúc đẩy nhanh hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước. 

Đâu là lý do khiến Thứ trưởng tin tưởng như vậy? 

Trong chuyến thăm Liên bang Nga mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga V. Putin đã thảo luận và thống nhất về phương hướng cùng các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống và then chốt là năng lượng, trong đó có năng lượng nguyên tử, dầu khí, khai khoáng… Việt Nam cũng chính thức mời Nga hợp tác và giúp đỡ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hàng loạt hợp đồng hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn của hai nước đã được ký kết trong chuyến thăm này. Đó là lý do khiến tôi tin rằng, cơ hội để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới là rất lớn. 

Hơn nữa, hai nước cũng đã ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; Hiệp định Tránh đánh thuế trùng và đang xem xét khả năng tiến hành đàm phán ký để Hiệp định Tự do thương mại song phương. Đây là nền tảng pháp lý cơ bản cho sự phát triển quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước. 

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2009, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Nga đến Việt Nam trong 15 ngày. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho khách du lịch, mà còn cho các doanh nhân Nga sang khảo sát tìm hiểu cơ hội thương mại, đầu tư tại Việt Nam. 

Cũng phải khẳng định thêm là, gần đây, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nga đã cao hơn trước nhiều, nên họ có khả năng tham gia vào các dự án lớn thông qua đấu thầu quốc tế. Và vì vậy, họ cũng có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào thị trường Việt Nam. 

Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác song phương thông qua Ủy ban Liên chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học – kỹ thuật vẫn đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các mặt, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. 

Cơ hội là rất lớn, song lâu nay, vẫn có những “điểm nghẽn” khiến việc thu hút đầu tư từ Nga trở nên khó khăn hơn. Chúng ta sẽ phải làm thế nào để tạo bước đột phá trong quan hệ đầu tư giữa hai nước, thưa Thứ trưởng? 

Trung tuần tháng 1/2010 tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức một đoàn xúc tiến đầu tư tại Liên bang Nga. Đây là một trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư Nga. 

Bên cạnh đó, từ năm 2010, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tăng cường đối thoại của ASEAN với các nước châu Âu và các nước trong khu vực. Hy vọng, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để Liên bang Nga hợp tác với ASEAN nhiều hơn. 

Về lâu dài, để thu hút có hiệu quả đầu tư của Liên bang Nga, tôi cho rằng,  cần, triển khai các giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện cơ chế pháp lý song phương đến việc cải tiến, nâng cao hiệu quả chương trình vận động đầu tư của Nga tại Việt Nam. 

Chẳng hạn, hai bên cần tiến hành rà soát, đánh giá một cách toàn diện quá trình hợp tác đầu tư trong thời gian qua, nhằm xây dựng một chương trình hành động chung để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đầu tư trong giai đoạn mới. 

Tương tự như vậy, hai bên cũng phải phối hợp để hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép và đang hoạt động. 

Ngoài ra, cũng cần thành lập tổ công tác liên ngành để thúc đẩy đàm phán, chuẩn bị một số dự án quan trọng… 

Một khía cạnh khác cũng rất quan trọng là hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Liên bang Nga rất lớn và họ có khả năng đầu tư về nước. Cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư của cộng đồng này theo hướng tiếp tục tăng cường các ưu đãi khuyến khích Việt kiều đầu tư về nước, đặc biệt trong các ngành công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, nghiên cứu phát triển, du lịch…; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc nhập cảnh, cư trú, đi lại và sinh hoạt của Việt kiều khi về Việt Nam. 

Nguồn Baodautu

Doanh nghiệp đồng hành

Gọi ngay
Chat Facebook
Chat zalo