Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất năm 2010: “Tiền Giang mở hội – Sông hóa Rồng, cho cây lành trái ngọt”
(ĐSCVN) –
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 756/VPCP-KTN ngày 2/2/2010 của Văn phòng Chính phủ, Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang từ ngày 19 – 24/4/2010.
Festival sẽ diễn ra với nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, ấn tượng, sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm tôn vinh các nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp – những người đã làm ra cây lành trái ngọt, đồng thời giới thiệu sự phong phú của cây trái Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, dự kiến tổng chi phí cho chương trình này là khoảng 25 tỷ đồng, thu hút trên 100.000 người tham gia trong đó riêng lễ khai mạc diễn ra đêm 19/4 sẽ có 1.500 đại biểu tham dự với 100 đại biểu quốc tế.
Với chủ đề “Tiền Giang mở hội – Sông hóa Rồng, cho cây lành trái ngọt”, Ban Tổ chức mong muốn đem đến cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước một cái nhìn toàn diện về sự phong phú, đa dạng của cây trái Việt Nam; những tiềm năng, những cơ hội phát triển. Hơn nữa, Festival còn là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tìm kiếm cơ hội cho những đối tác có thể tham gia vào quá trình sản xuất – bảo quản – chế biến – tiêu thụ trái cây Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trái cây Việt Nam trên thương trường trong và ngoài nước.
Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại buổi họp báo sáng 26/3 tại Hà Nội. (Ảnh ATP)
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm trái cây tới trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng năm 2009 kim ngạch xuất khẩu từ mặt hàng này là trên 300 triệu USD.
Các hoạt động trong festival sẽ gồm các hoạt động: Lễ khai mạc và bế mạc Festival, hội chợ triển lãm các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hội thảo khoa học, Lễ tôn vinh, Lễ hội ẩm thực “Hương Việt”, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao….
Đặc biệt, bên cạnh các hội thi như “Duyên dáng miệt vườn”; thi tìm hiểu và viết bài về “Kênh Chợ Gạo”; hội thi “Trái ngon và an toàn”; sẽ có 3 kỷ lục được thiết lập trong lễ hội lần này: Tứ linh 1000 năm thương nhớ Thăng Long với sản phẩm Tứ linh “Long – Lân – Quy – Phụng” lớn nhất được kết bằng trái cây (cao 5 m, ngang 18 m); kỷ lục “Rồng vẽ bằng nghệ thuật Graffiti dài nhất Việt Nam” (dài 200 m); và bản đồ Việt Nam được kết bằng trái cây lớn nhất (cao 6 m, ngang 4 m).
Ngoài ra, khách tham dự còn được trực tiếp tham gia Lễ hội chợ nổi Cái Bè (từ 20- 22/4) với các hoạt động: chợ trái cây và sản vật trên sông; sân khấu ca cổ trên sông; tour phục vụ khách trên sông; lễ hội đường phố (đám rước xe hoa) và bắn pháo hoa nghệ thuật.
Theo đại diện UBND tỉnh Tiền Giang, nhằm phục vụ chu đáo lượng khách du lịch tham dự lễ hội, bên cạnh việc tăng cường lực lượng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, địa phương này cũng đã liên hệ thêm các phòng nghỉ, khách sạn, nhà hàng ở các tỉnh, thành lân cận.
Ban Tổ chức đồng thời đang kiến nghị Chính phủ chấp thuận việc tổ chức festival 2 năm/lần, luân phiên từng vùng miền để đảm bảo tính hài hòa.
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức thành công các lễ hội như festival điều tại Bình Phước, festival hoa tại Đà Lạt, festival lúa gạo tại Hậu Giang.